Bình Đựng Nước Nhựa Loại Nào Tốt & An Toàn? (Hướng Dẫn Chi Tiết)

Bạn đang muốn mua một bình đựng nước nhựa?

Điều bạn cần quan tâm đầu tiên là gì?

Là công năng xịn sò?

Không!

Là kiểu dáng hoa mỹ?

Không luôn!

bình đựng nước được làm từ nhựa gì nha bạn ơi.

Điều này sẽ quyết định độ an toàn với sức khỏe khi sử dụng bình thường xuyên.

Sức khỏe phải là ưu tiên số 1.

Phần 1: Đựng nước bằng bình nhựa số mấy là an toàn?

Có rất nhiều loại nhựa trên đời.

Nhưng nhựa dùng trong nhà và chứa thực phẩm thì chỉ có một số loại.

Các loại này được chia thành 7 nhóm và đặt tên theo số.

Đựng nước bằng bình nhựa số mấy là an toàn?

Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những ký hiệu số này trên bề mặt của vật dụng nhựa. Đối với bình đựng nước nhựa thì chúng nằm ở đít.

Các ký hiệu này thực chất được dùng để phân loại nhựa nhằm phục vụ cho việc tái chế.

Nhưng mặt khác, chúng lại vô cùng tiện lợi để nhận dạng loại nhựa.

Trong 7 nhóm nhựa trên thì nhựa số 1, 2, 4, 5 được xem là an toàn cho sức khỏe khi tiếp xúc với thực phẩm ở điều kiện bình thường.

Riêng nhựa số 7 thì sẽ có loại an toàn, loại không do nhóm này bao gồm tất cả những loại nhựa còn lại.

Bình nhựa đựng nước uống

Các loại nhựa này đều đã được xác nhận là an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm bởi các cơ quan đầu ngành có liên quan của mỗi quốc gia.

Ở Mỹ thì có FDA chấp thuận. Ở châu Âu có EFSA. Ở Trung Quốc có Bộ Y tế Trung Quốc. Ở Việt Nam thì có Bộ Y tế Việt Nam…

Nói có sách, mách có chứng.

Với FDA bạn có thể vào trang dữ liệu của FDA tại đây để tận tay tra cứu.

Với các cơ quan ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng hoàn toàn tương tự.

Còn bây giờ thì bắt đầu đi vào từng loại nhé.

Nhựa số 1

Bình đựng nước được làm từ nhựa PET

Nhựa số 1 là nhựa PET (Polyethylene Terephthalate) hoặc viết là PETE cũng được.

Trong siêu thị, bất kỳ một hộp đồ ăn; chai nước ngọt, nước tương, nước mắm, dầu ăn… hầu như được làm từ nhựa PET.

FDA phê duyệt PET an toàn cho 1 lần sử dụng và cả khi được sử dụng lại.

Bình đựng nước làm từ nhựa PETE

Nhưng nhựa này được khuyến cáo là chỉ nên dùng 1 lần.

Nhựa PET có chứa 1 lượng nhỏ Antimon và chúng dễ bị rò rỉ nếu tiếp xúc với nhiệt đủ nhiều.

Chỉ cần một thoáng bạn để quên bình đựng nước nhựa bên cạnh ô cửa kính có ánh nắng chói chang chiếu vào thì rất có thể điều này đã xảy ra.

Antimon có liên quan đến tiêu chảy; đau cơ – khớp; thiếu máu và các vấn đề về tim mạch.

Dù vậy PET vẫn được dùng để sản xuất bình nhựa dùng lại nhiều lần. Chúng có giá thấp nhất trong các loại bình nhựa đựng nước trên thị trường.

Nhựa số 2

Bình đựng nước bằng nhựa HDPE

Nhựa số 2 là nhựa PE-HD (Polyethylene – High Density) hay HDPE thì đều là một.

Cũng giống như nhựa số 1, rất nhiều chai, hộp đựng thực phẩm được làm từ HDPE.

Nhựa số 2 được FDA chấp thuận là an toàn khi sử dụng lại vì nguy cơ chất độc bị rửa trôi thấp.

HDPE không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng và nhiệt từ mặt trời, cũng không phản ứng với axit hay các hóa chất khác.

Chính vì vậy, các hóa chất như nước giặt, lau sàn, rửa chén, nhớt xe… cũng được chứa trong bình nhựa loại này để không bị biến chất.

Nhựa số 2 có chứa Nonylphenol, chất gây rối loạn nội tiết (hormone).

Thế nhưng khả năng chất này có bị rửa trôi ra khỏi lớp nhựa hay không mới quan trọng.

Mà điều này thì chưa có nghiên cứu chứng minh chắc chắn.

Nhưng dù sao đi nữa thì bình đựng nước nhựa được sản xuất toàn bộ từ HDPE tương đối hiếm (cả nắp và thân bình).

Một phần là bởi chất nhựa số 2 không đẹp, độ bóng và trong suốt không cao.

Tuy nhiên, bình có nắp làm từ nhựa HDPE thì vẫn có nhé.

Nhựa số 3

Bình đựng nước uống làm từ nhựa PVC

Nhựa số 3 là nhựa PVC (Poly Vinyl Clorua)

Nhựa này hoàn toàn không nằm trong danh sách chất được phép tiếp xúc với thực phẩm của FDA.

Dạng dẻo của PVC đã được chứng minh có khả năng rửa trôi các Phthalate gây rối loạn nội tiết (hormone).

Dạng cứng của PVC phổ biến nhất là đường ống thoát nước.

Ống nước PVC được sử dụng từ những năm 1950.

Tuy nhiên, ngày nay người ta đã dần ít sử dụng chúng lại vì những rủi ro về sức khỏe mà nhựa loại này mang lại.

Nhựa số 4

Ngược với nhựa số 2 là nhựa LDPE hoặc PE-LD (Polyethylene – Low Density).

Nhựa này được sử dụng làm màng bọc, túi đựng thực phẩm.

Nhựa số 4 được FDA chấp thuận là an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm.

Tuy nhiên, người ta hiếm khi làm bình đựng nước bằng nhựa số 4 vì cấu trúc mềm, dẻo và đàn hồi của nó.

Nhựa số 5

Bình đựng nước uống nhựa PP

Nhựa số 5 là nhựa PP (Polypropylene).

Bình đựng nước làm từ nhựa PP cực kỳ phổ biến.

Chúng an toàn để dùng lâu dài vì FDA đã xác nhận nhựa này an toàn khi tiếp xúc thực phẩm.

Nhựa PP có ưu điểm không bị rửa trôi chất độc.

Ngoài ra còn chịu được nhiệt độ cao và không bay hơi nên an toàn khi hâm nóng trong lò vi sóng.

Chúng cũng không phản ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào được chứa trong bình, cho dù đó là axit, bazơ hay chất lỏng nào khác.

Nhựa PP có khả năng chống mỏi tốt, nghĩa là có thể bị biến dạng nhiều lần mà không bị nứt.

Bình đựng nước nhựa PP

Tuy nhiên, khuyết điểm là nhựa sẽ phân hủy khi tiếp xúc lâu với nhiệt và tia cực tím (tia UV) từ mặt trời.

Vì vậy, nếu bạn đi phượt hay làm shipper thì cần giấu kỹ bình đựng nước nhựa PP trong balo, túi hay cốp xe.

Nhựa số 6

Nhựa số 6 là nhựa PS (Polystyrene).

Nhựa PS hoàn toàn không nằm trong danh sách chất được phép tiếp xúc với thực phẩm của FDA.

Vì nhựa loại này được tạo ra từ styrene, một chất có thể gây ung thư ở người. Chúng có thể ngấm vào thức ăn của bạn, mặc dù số lượng có thể rất nhỏ.

Với rủi ro cao như vậy, người ta không sản xuất bình đựng nước uống làm từ nhựa số 6.

Nhựa số 7

Nhựa số 7 là các loại nhựa còn lại (khác 6 loại trên).

Trong ký hiệu có thể sẽ có chữ O hoặc không có gì. Chữ O là viết tắt của other, nghĩa là những loại khác.

Nhựa phổ biến trong nhóm này là PC (Polycarbonate) và Tritan.

Ngày nay, người ta không sử dụng PC làm bình nhựa để đựng nước và đồ ăn vì chúng khét tiếng là có chứa nhiều BPA.

BPA là một chất gây rối loạn nội tiết (hormone). Một lượng đủ nhiều BPA có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, trong đó có ung thư.

Dù vậy, nhựa PC vẫn có thể tiếp xúc với thực phẩm theo FDA.

Thậm chí FDA đã tiến hành nhiều nghiên cứu và kết luận rằng lượng BPA từ nhựa là rất thấp và không có tác động tiêu cực rõ ràng đến sức khỏe thể chất.

Nhưng tránh voi chẳng xấu mặt nào. Chúng ta còn nhiều lựa chọn khác mà đúng không?

Nhựa số 7 Tritan

Bình đựng nước uống bằng nhựa Tritan

Không đâu xa, ngay trong nhóm này cũng có 1 loại nhựa thế hệ mới và hoàn toàn an toàn cho sức khỏe. Đó là nhựa Tritan.

Nhựa Tritan hiện tại được công nhận bởi các cơ quan có uy tín của từng quốc gia.

Bạn có thể bấm vào đây để xem công bố từ nhà sản xuất nhé.

Nhựa này được tạo ra bởi tập đoàn Eastman Kodak, bao sân toàn cầu rất rất nhiều các loại hóa chất khác nhau.

Tập đoàn này khi xưa nổi tiếng với các loại máy ảnh dùng phim cầm tay mà nay đã trở thành huyền thoại.

Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể yên tâm nếu bình đựng nước nhựa của bạn được làm từ Tritan.

Bình đựng nước uống bằng nhựa Tritan sẽ vẫn được gắn mác 7 nhưng kèm theo là dòng chữ “BPA free” nằm đâu đó trên bình. Dòng này có nghĩa là “không có BPA”.

Hiện nay, rất nhiều loại bình nhựa đựng nước uống cao cấp được làm từ Tritan.

Phần 2: Cách tự kiểm tra bình đựng nước uống nhựa gì

Trường hợp bạn muốn tự kiểm chứng chất nhựa của bình đựng nước thì có thể dùng 3 nguyên tố sau để thử:

Nước, lửa và cơm (hơi màu mè chút nhưng ý là dùng lực để bẻ chất nhựa ấy).

Điều kiện để tiến hành là bạn phải giàu.

Bạn chỉ thử được khi đã mua và đồng thời cần phải hi sinh một bình nếu muốn thử với lửa.

Cái gì cũng có cái giá của nó cả.

Nước

Ngâm bình hoàn toàn trong nước.

Nếu bình tiếp tục chìm thì nó là nhựa nặng và có khối lượng riêng lớn hơn nước. Chúng bao gồm nhựa số 1 (PET), số 7 PC.

Nếu bình không chìm thì nó là nhựa nhẹ và có khối lượng riêng nhỏ hơn nước. Chúng bao gồm nhựa số 2 (HDPE), số 4 (LDPE), số 5 (PP).

Nhựa số 2 (HDPE)
Nhựa số 5 (PP)

Cơm (Tác dụng lực)

Bẻ cong từ từ bình đựng nước nhựa hoặc một phần chất liệu của bình.

Nếu nhựa bị uốn thì đó là nhựa số 2 (HDPE), số 4 (LDPE), số 5 (PP), số 7 PC.

Nếu nhựa bị gãy hoặc đàn hồi không thay đổi thì nó là loại khác.

Lửa (Nguy hiểm, dễ cháy nổ)

Dùng lửa đốt chất nhựa của bình. Cần chuẩn bị khăn ướt và thực hiện gần nhà vệ sinh có nước để kịp thời dập lửa.

Nếu là nhựa số 1 (PET) thì ngọn lửa vàng, có khói bốc lên, khói đen ở thấp, khói trắng ở trên cao và có mùi nồng.

Nếu là nhựa PE, tức là nhựa số 2 (HDPE) hoặc số 4 (LDPE) thì ngọn lửa vàng nhẹ, tim lửa màu xanh.

Nhựa chảy ra như sáp nến (đèn cầy) và không có màu đen. Màu đen trong hình là do lớp giấy niêm phong miệng hộp còn sót lại bị cháy.

Đồng thời bạn cũng sẽ ngửi thấy mùi sáp nến.

Nếu là nhựa số 5 (PP) thì ngọn lửa vẫn vàng nhẹ, tim lửa màu xanh, cháy mạnh và rất khó dập tắt.

Nhựa khi bắt đầu cháy thì chuyển màu đen, sau cùng thì chảy ra như dầu.

Nếu là nhựa số 6 (PS) thì rất dễ cháy và tỏa khói đen nghi ngút.

Nếu là nhựa số 7 PC thì ngọn lửa dễ bị dập tắt bằng vài đường quyền, quơ tay và có mùi thơm.

Đó là tất cả những gì mình có thể tổng hợp để giúp các bạn làm chủ cuộc chơi.

Giờ thì bạn có thể an tâm là mình có thể chọn mua được đúng bình đựng nước nhựa xịn rồi đó.

No Comments

Bình luận