Cách Sử Dụng Bình Giữ Nhiệt Kéo Dài Tuổi Thọ (Hướng Dẫn Toàn Tập)
Nếu bạn sở hữu bình giữ nhiệt thì đọc bài này nhé. Suppdy sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng bình giữ nhiệt từ lúc mới mua cho đến lúc bình bị hư luôn.
Dưới đây là mục lục. Bạn bấm vào phần nào thì bạn sẽ di chuyển đến phần đó:
Phần 2: Thói quen sử dụng đúng
Phần 1: Cách sử dụng nước rửa bình giữ nhiệt
Một trong những cách sử dụng bình giữ nhiệt an toàn cho sức khỏe là phải vệ sinh nó thường xuyên và kỹ lưỡng.
Nếu không thì đây sẽ là cái kết:
Bạn chỉ đựng nước lọc cũng cần rửa.
Mình khuyến cáo tối đa 3 ngày là phải rửa một lần.
Đối với bình giữ nhiệt lần đầu sử dụng, cách mình sắp giới thiệu cũng có thể được áp dụng để loại bỏ mùi nhựa mới.
Ngoài ra cũng còn nhiều cách khác là ngâm giấm, chanh, baking soda.
Nhưng ngâm thì tốn thời gian. Do đó, chỉ nên áp dụng ngâm với những trường hợp mà mùi nhựa rất nồng và dai dẳng.
Nếu bình có chất lượng đủ tốt thì chỉ cần rửa thôi là đủ rồi.
1.1. Chuẩn bị
Hãy chuẩn bị: Miếng mút rửa ly (không cần cây), nước rửa chén, bông gòn, kẹp giấy, khăn.
Bông gòn và kẹp giấy?
Từ từ cháo mới nhừ, cứ đọc tiếp sẽ rõ.
Nên dùng miếng vệ sinh có mút mềm. Loại này vừa luồn lách được tốt, vừa không gây trầy xước.
Tuyệt đối không dùng loại quá cứng. Dùng miếng cước kim loại chà nồi là đi đời đấy.
Không nên Có thể Nên dùng mút
Chỉ nên dùng nước rửa chén. Không nên dùng các chất tẩy rửa mạnh. Lý do sẽ có ở phần 2 nhé.
Chọn loại kẹp giấy càng dài càng tốt, càng dễ cầm. Kẹp cũng cần có độ bền tương đối để khi uốn không bị gãy.
1.2. Giai đoạn A: Lấy ron silicone
Đây là lúc chiếc kẹp giấy phát huy tác dụng.
Mình thường sử dụng cách này lấy ron bình giữ nhiệt.
Rất dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi.
– Bước 1: Uốn cong chiếc kẹp thành hình dạng như trong video.
– Bước 2: Nhét đầu kẹp vào khe giữa ron silicone và thành nắp. Nhét khe trong, đừng nhét khe ngoài nhé.
– Bước 3: Trượt kẹp đi theo vòng ron. Tầm 1 đoạn ngắn là ron rớt ra ngay.
1.3. Giai đoạn B: Rửa
– Bước 1: Chà mặt trong.
Khi gặp các góc, khe, rãnh thì chà theo chiều dài của chúng. Đồng thời, duy trì lực ấn xuống tại những ví trí đó.
Nhiều chi tiết Sâu Hẹp
Quy tắc là chỗ nào có khe là ta chọt mạnh vào.
Đây là những cách sử dụng để rửa bình giữ nhiệt được đúc kết từ kinh nghiệm rửa bát nhiều năm của một người đàn ông.
Mình rửa vì đam mê thôi. Chứ không có ai bắt ép hết.
Nếu sâu và hẹp thì hãy dùng bông gòn và kẹp giấy. Đồng thời, vẫn duy trì sử dụng cách trên để rửa bình giữ nhiệt.
– Bước 2: Chọt khe.
Trong quá trình chà, vẫn theo quy tắc chọt khe.
– Bước 3: Chà ron và nắp.
Lưu ý là rửa xong, mọi thứ khô ráo hết mới được gắn ron vào lại để không bị mùi ẩm mốc nhé.
– Bước 4: Chà mặt ngoài.
Đối với lớp sơn ngoài, không cần chà kỹ. Bạn chỉ cần lau qua 1 lần bằng miếng bọt biển đang dùng (có nước rửa chén). Sau đó, rửa trôi với nước là được.
Chà mạnh, chà nhiều, lâu dài có thể dẫn đến tróc sơn.
– Bước 5: Dùng khăn lau khô bình.
Sử dụng cách này sẽ giúp bình giữ nhiệt không có những vết ố do nước và chất tẩy rửa còn đọng lại.
Không nên để bình khô tự nhiên.
Khi lau rồi, bạn cũng nên phơi một chút cho khô hẳn. Không nên đóng nắp lại ngay.
Khi phơi thì để bình ngửa, không úp để hơi nước có thể bốc lên và thoát ra.
Nếu úp, bình sẽ lâu khô do hơi nước không bốc hơi và thoát ra được. Đôi khi, có thể nước sẽ tiếp tục đọng lại ở đáy bình.
Bạn rửa sạch cỡ nào mà không lau khô thì vẫn sẽ bị ố như thế này đây:
Những vết ố đôi khi sẽ khiến lớp phủ dưỡng sơn mau mòn, lớp sơn ngoài mau tróc và lớp inox trong bị gỉ sét.
Phần 2: Thói quen & cách sử dụng nào tốt cho bình giữ nhiệt?
Có những bình thật sự dỏm, mau hư. Nhưng cũng có trường hợp “của bền tại người”.
Độ bền bình phụ thuộc vào cách sử dụng bình giữ nhiệt của bạn như thế nào.
Bạn có thói quen sử dụng và chăm sóc chúng tốt thì chúng sẽ bền thôi.
2.1. Cách sử dụng để bình giữ nhiệt được lâu và bền
Bình giữ nhiệt cách nhiệt được là nhờ môi trường gần như chân không giữa 2 lớp inox trong và ngoài bình.
Môi trường dạng này gần như không có bất kỳ vật chất nào ở đó.
Mà nơi nào không có vật chất thì sự truyền nhiệt sẽ không xảy ra.
Đó là cách người ta sử dụng để làm bình giữ nhiệt… giữ được nhiệt.
Bất kỳ thế lực nào phá hỏng lớp chân không này sẽ khiến bình mất đi đáng kể sức mạnh giữ nhiệt của nó.
Một trong số đó là các vết nứt. Khi nứt, không khí sẽ tràn vào lớp này. Từ đó, môi trường lập tức trở nên bình thường. Mà môi trường bình thường thì có thể dẫn nhiệt.
Trong kĩ thuật luyện thép không rỉ, thép thường được nung rất nóng, lên đến gần 1000 °C hoặc hơn (tùy phương pháp).
Sau đó, thép được làm nguội chậm bằng dầu hoặc không khí.
Người ta không dùng nước. Vì nước làm nguội nhanh khiến thép bị giòn và dễ nứt.
Với bình giữ nhiệt, khi bạn sử dụng, chúng chỉ nóng đến 100 °C là cùng. Cách khá xa so với nhiệt độ nung khi luyện thép.
Tuy nhiên, nếu nóng lạnh xảy ra một cách thường xuyên, vết nứt vẫn có thể sẽ xuất hiện ở mặt trong bình giữ nhiệt.
Do đó, mình có một khuyến nghị trong cách sử dụng bình giữ nhiệt:
Nếu bạn vừa mới đựng nước nóng, hãy chờ một chút rồi mới đựng nước lạnh.
Thời điểm tốt nhất là khi bình trở về nhiệt độ ổn định.
Dùng tay sờ vào mặt trong bình để biết đã ổn định hay chưa. Bạn cảm thấy bình nguội như lúc mới mua là duyệt.
Khoảng thời gian bình nguội mà mình thử nghiệm được là: 15 phút với nước nóng. 15 phút với nước lạnh.
Trong quá trình để nguội thì đừng đóng nắp nhé. Hãy mở nắp để hiện tượng đối lưu không khí xảy ra.
Làm rớt hoặc đập phá cũng có thể dẫn đến giữ nhiệt kém.
Hãy quan sát cấu tạo của bình thông qua hình dưới đây.
Có 2 vị trí quan trọng đó là đít bình và thành bình.
Nếu đít bình bị tác động lực, lực truyền qua gối đỡ cách nhiệt và chọc vào lớp trong. Có khả năng lớp này sẽ bị nứt. Mà nứt đồng nghĩa với giữ nhiệt kém.
Còn nếu thành bình bị tác động lực, nó sẽ bị mốp. Một vết mốp dù nhỏ thôi cũng có thể khiến 2 lớp này chạm nhau.
Vì trên thực tế, lớp chân không này khá mỏng chứ không dày như trong hình.
Và thế là hết.
Tại vị trí chạm nhau sẽ xảy ra hiện tượng dẫn nhiệt.
Nhiệt dễ dàng truyền từ trong ra ngoài và ngược lại.
Nếu mọi thứ hoàn hảo, con đường duy nhất để nhiệt truyền ra ngoài chỉ là miệng bình.
Các nút chặn và ron đóng vai trò tương đối quan trọng.
Do đó hãy chú ý đến chúng.
Khi sử dụng bình giữ nhiệt mà chúng cách nhiệt không còn tốt nữa thì đừng vội vứt đi.
Rất có thể bạn chỉ đang cần phải thay một cái nút chặn hoặc ron mới mà thôi.
Một cách sử dụng bình giữ nhiệt để giữ nóng/lạnh được lâu hơn là:
Hãy tráng bình với nước nóng hoặc lạnh trước.
Sau đó mới rót đầy nước nóng hoặc lạnh vào.
Mục đích là để không mất đi một lượng nhiệt ban đầu cho bề mặt bình.
Khi bình nóng/lạnh sẵn rồi dĩ nhiên sẽ giữ nóng/lạnh lâu hơn.
2.2. Cách sử dụng bình giữ nhiệt inox để không bị rỉ sét
Nếu bạn tìm thấy một đánh giá của một chiếc bình rất xịn rằng nó bị rỉ sét thì khoan vội tin.
Khả năng cao là họ chưa sử dụng bình giữ nhiệt đúng cách mà thôi.
Với inox 304, không nên thường xuyên đựng nước có vị chua như nước trái cây…
Cũng không nên thường xuyên đựng đồ ăn, thức uống có vị mặn.
Inox 304 Inox 316
Nếu muốn đựng đồ ăn và thức uống chua, mặn thì cách là sử dụng bình giữ nhiệt inox 316 để đựng.
Tuy nhiên, mỗi lần đựng cũng không nên kéo dài quá lâu.
Chỉ nên đựng trong vòng vài ngày (nếu là đồ lâu hư). Tốt nhất là trong ngày.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về các loại inox và mỗi loại đựng được thực phẩm nào, bạn hãy đọc bài này của mình:
Cách Chọn Bình Nước Inox An Toàn (Hướng Dẫn Chi Tiết)
Nhưng cũng đừng tưởng rỉ sét sẽ tha cho bạn nếu bạn chỉ đựng nước lọc. Ngay cả khi đó, rỉ sét vẫn có khả năng xuất hiện.
Vì vậy bạn nên rửa bình thường xuyên theo thời gian khuyến cáo và chỉ dẫn ở phần 1.
2.3. Cách sử dụng bình giữ nhiệt để không tróc sơn, phai màu
Bình đẹp nhưng xài chưa được bao lâu đã nham nhở, bạc màu thì rất đáng tiếc.
Dưới đây là cách sử dụng giúp bình giữ nhiệt đẹp một cách lâu dài:
Thứ nhất, Tránh tia UV.
Tia UV (tia cực tím từ mặt trời) là nguyên nhân dẫn đến phai màu.
Hãy nhìn các biển hiệu để lâu năm ngoài trời bạn sẽ rõ.
Không bị nắng Bị nắng So sánh
Vì vậy muốn bình lâu xuống màu thì khi ngoài trời, bạn phải biết che đậy.
Thứ hai, tránh nóng.
Việc che đậy không những tránh được tia UV mà còn giúp lớp sơn không bị nắng nóng.
Nhiệt độ cao sẽ khiến lớp sơn dần bong tróc.
Do đó, các cách sử dụng bình giữ nhiệt sau đây bạn tuyệt đối không nên làm:
Không ngâm toàn bộ bình trong nước nóng. Tránh để nước nóng đổ ra ngoài bình.
Không bỏ vào lò vi sóng để hâm nóng.
Không mang vào khu vực bếp nóng để cán bột, làm bánh.
Không mang vào phòng xông hơi để tẩn nhau.
Không đặt kế quạt tản nhiệt máy tính đang thổi để khoe của.
Thứ ba, tránh chất tẩy rửa mạnh
Trong đó, đặc biệt tránh tiếp xúc với các hóa chất như:
Acetone (A-xê-tôn có trong nước rửa sơn móng tay).
Isopropyl Alcohol hoặc các chất có cồn khác.
Giấm, chanh hoặc các loại dung dịch có tính axit (dù nhẹ).
Acetone Isopropyl Alcohol
Ngoài ra, một số chất tẩy mạnh còn làm hư mối hàn ở lớp inox trong. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ nhiệt của bình.
Cách tốt nhất cho bình giữ nhiệt là sử dụng nước rửa chén để rửa.
Thứ tư, hạn chế va chạm.
“Vâng, cảm ơn vì đã nói điều mà ai cũng biết.”
Nhưng một số tình huống sau đây bạn cần lưu ý. Vì có thể bạn đã không để ý:
Lấy ra lấy vô ngăn hông balo, khay tròn đựng chai nước trên ô tô, rạp chiếu phim, phòng gym.
Treo lên treo xuống cái móc xe máy.
Bao không che kín, còn hở sườn.
Ngăn balo Móc xe Bao ngắn
No Comments