Bình Đựng Nước Inox Loại Nào Tốt & An Toàn? (Hướng Dẫn Chi Tiết)

Bạn đang muốn mua bình đựng nước inox nhưng không biết loại inox nào tốt và an toàn? Vậy bạn hãy đọc bài này để chọn được loại đúng nhu cầu và nhận biết được loại nào tốt nhé!

Ngoài ra, nếu bạn đang chọn mua bình nhựa, bình thủy tinh hay silicone thì mình cũng có 3 bài tương tự như thế này. (Bấm vào chữ “bình nhựa” hoặc “bình thủy tinh” hoặc “silicone” màu xanh để đọc bài nha!).

Các loại bình đựng nước inox trên thị trường

Phần 1: Chọn bình đựng nước làm bằng loại inox phù hợp với nhu cầu

Inox còn gọi là thép không gỉ. Chúng là hợp kim có thành phần gồm nhiều nguyên tố. Do đó sẽ có nhiều loại inox khác nhau trên cõi đời này.

Nhưng với bình inox đựng nước, ta chỉ chọn những loại được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận là an toàn khi tiếp xúc thực phẩm.

Nổi tiếng nhất là FDA (cục quản lý dược & thực phẩm Mỹ) đã xác nhận tính an toàn này cho 2 loại: inox 304 và inox 316.

Bỏ qua những đặc tính về cơ học hay vật lý như mềm dẻo, dễ uốn, dễ hàn, không nhiễm từ, nhiệt độ nóng chảy…

Với bình đựng nước inox bạn chỉ cần quan tâm đến 1 đặc tính liên quan trực tiếp đến sức khỏe là khả năng chống ăn mòn của inox.

Inox 304 (chứa nước, hạn chế chua và mặn)

Bình giữ nhiệt Inox 304 VS4PMO 19

Thành phần Inox 304 có 18% Cr và 8% Ni.

Với lượng Niken, Crom cao hơn inox thông thường, bình đựng nước làm từ inox 304 có khả năng chống ăn mòn rất tốt.

Tuy nhiên, chỉ nên dùng bình inox 304 đựng nước nóng hoặc lạnh. Với cách dùng này thì quanh năm suốt tháng, bạn sẽ không bao giờ sợ bình rỉ.

Dĩ nhiên với điều kiện bạn phải vệ sinh bình thường xuyên, đồng thời nước trong bình phải sạch và trung tính.

Sở dĩ phải như vậy vì bình inox 304 có 2 hạn chế:

1. Khả năng chống ăn mòn với axit không quá tốt.

=> Không nên đựng nước trái cây có vị chua như chanh, cam, dâu… vì có axit.

2. Khả năng chống ăn mòn với muối clorua kém.

=> Không nên đựng nước có muối và đặc biệt là đồ ăn mặn.

Ông bà nào khoe mẽ, lấy bình đựng nước inox 304 đi nấu mì gói và còn cho cả gói muối vào thì coi chừng.

Ngoài ra, chanh muối là combo hoàn hảo để phá hoại bình của bạn khi nó có cả 2 yếu tố trên.

Inox 316 (Chịu được chua, mặn lâu hơn)

Bình inox đựng nước

Giá đắt hơn, cao cấp hơn, trâu bò hơn, chịu được những điều kiện khắc nghiệt hơn là bình đựng nước inox 316.

Inox 316 có 16% Cr, 10% Ni và 2% Mo.

Việc bổ sung thêm Mo vào đã khắc phục được 2 hạn chế kể trên của inox 304.

Giờ bạn đã có thể thoải mái, tự tin đựng nước trái cây lạnh trong nhiều giờ đồng hồ hoặc thậm chí là đồ ăn mặn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn đựng bao lâu cũng được. Để quên đồ ăn, thức uống trong bình cả vài ngày thì cũng không ổn đâu!

Phần 2: Cách nhận biết inox 304 và inox 316

Bình đựng nước inox 304
Bình đựng nước inox 316

Thông thường, ở đáy các bình đựng nước inox sẽ có thể hiện loại inox. Cứ nhìn thấy có số 304 hoặc 316 là ổn. Nhưng trong nhiều trường hợp bạn sẽ muốn thử lại.

Có nhiều cách được đưa ra để nhận biết các loại inox như: quan sát bằng mắt, dùng nam châm, mài rồi quan sát tia lửa, nung nóng,…

Tuy nhiên những cách trên sẽ mắc 1 trong 2 hạn chế: Hoặc là không phân biệt được triệt để, dễ nhầm lẫn. Hoặc là khó thực hiện do không có đủ trang thiết bị.

Bình inox 304 đựng nước

Đặc biệt là truyền thuyết dùng nam châm để nhận biết inox 304 là không chính xác.

Mặc dù nam châm đúng là không hút inox 304 thật nhưng là inox 304 ở dạng nguyên liệu thô cơ.

Còn khi inox 304 được gia công thành sản phẩm thì lại khác. Chúng đã nhiễm từ trở lại và hoàn toàn có khả năng bị hút bởi nam châm.

Cách hiệu quả nhất là dùng các loại dung dịch thử inox được bán khá nhiều trên thị trường. Các loại dung dịch này sẽ đổi màu. Dựa vào màu, bạn sẽ biết inox làm bình đựng nước kia là loại gì.

Dung dịch thử Inox 304

Bình đựng nước bằng inox 304

Bạn có thể chọn hàng Trung Quốc, giá trên dưới 100.000đ/chai vài chục ml, cỡ bằng chai thuốc nhỏ mắt.

Bước 1: Lau sạch bề mặt bình đựng nước inox, nếu có lớp mạ, sơn thì phải cạo bỏ. Nói chung là không để bất cứ kẻ thứ ba nào chen giữa bề mặt và thuốc thử.

Bước 2: Nhỏ 1 giọt thuốc thử lên bề mặt.

Bước 3: Quan sát màu thuốc và chờ đợi giây phút của sự thật. Nếu hộp sản phẩm có bảng màu để so sánh thì dùng nó. 

Thông thường dung dịch sẽ thay đổi như sau:

Inox 200: Chuyển thành màu đỏ trong khoảng 5 giây.

Inox 201: Chuyển thành màu đỏ trong khoảng 50 giây.

Inox 202: Chuyển thành màu đỏ trong khoảng 1 phút.

Inox 301: Chuyển thành màu đỏ rất nhạt trong khoảng 2-3 phút.

Inox 304: Không thay đổi màu trong vòng 3 phút.

Bạn chỉ nên thử tối đa trong 3 – 5 phút. Nếu thử quá lâu, nhiều tiếng hoặc cả ngày thì cỡ nào dung dịch cũng sẽ đổi màu với mọi loại inox. Thậm chí làm hư luôn bề mặt bình đựng nước Inox của bạn.

Nhiệt độ môi trường sẽ ảnh hưởng đến kết quả thử. Do đó, khi trời quá lạnh, hoặc ở trong phòng kín có máy điều hòa, bạn cần làm nóng bề mặt trong vài giây trước khi thử.

Dung dịch có tính axit nhẹ, không ảnh hưởng đến chất lượng inox của bình đựng nước.

Do đó bạn cứ nhỏ vào trong bình để nhận biết chuẩn xác nhất. Vì không phải vị trí nào trên bình cũng có chất liệu inox giống nhau. Có loại bình sẽ có miệng là một loại inox khác với mặt trong thân bình.

Dung dịch thử Inox 316

Với bình đựng nước bằng inox 316 thì có 2 loại sản phẩm để thử.

Một là dạng dung dịch tương tự như với Inox 304. Hai là dạng bộ kit gồm dung dịch và một viên pin.

Giá 1 chai nhỏ của cả 2 loại trong khoảng từ dưới 100.000đ đến hơn 200.000đ.

Cả 2 loại đều có cách thử hoàn toàn tương tự như với inox 304.

Chỉ riêng loại thứ 2 thì khác một chút. Trước khi thực hiện bước cuối, bạn phải chạm 1 dây vào dung dịch và dây còn lại vào bề mặt cần thử. Giữ nguyên như vậy cho đến khi dung dịch đổi màu.

Khi sử dụng loại thứ 2 thì kết quả thử dễ sai lệch hơn do thao tác phức tạp hơn.

Việc thử Inox 316 tương đối nhẹ nhàng. Bạn không cần phải quan tâm đến thời gian nữa mà chỉ cần tập trung nhận biết màu sắc của dung dịch thôi là xong rồi.

Phần 3: Lời đồn về các loại bình đựng nước inox trên thị trường

Số 1: Đựng nước bằng bình inox Trung Quốc sẽ có kim loại nặng?

Đặt vấn đề 1:

“Bình đựng nước inox Trung Quốc thì hay có kim loại nặng hòa tan vào nước.” – Bạn Trần Văn Tinh Tướng cho hay.

Trả lời 1:

Chào bạn, đọc đến đây thì bạn cũng biết rồi đấy.

Đã là bình đựng nước làm từ inox thì luôn có chứa kim loại nặng. Vì thành phần inox gồm: Fe, C, Cr, Ni, Mo. Do đó, bình Mỹ, bình châu Âu đều có kim loại nặng cả.

Thậm chí người ta còn chi thêm tiền để tăng lượng Mo lên nhằm tăng khả năng chống ăn mòn. Chẳng hạn như Inox 316 nè.

“… câu này mình nhầm, cho mình nói lại nhe!” – Bạn Trần Văn Tinh Tướng bộc bạch chia sẻ.

Đặt vấn đề 2:

Trần Văn Tinh Tướng tiếp tục: “Bình Trung Quốc thì kim loại nặng hay hòa tan vào nước khi đựng nước trái cây nhiều axit.”

Trả lời 2:

Của bền tại người. Bình inox 304 luôn được khuyến cáo chỉ nên dùng đựng nước nóng hoặc lạnh mà thôi.

Nếu bạn đem đựng nước chanh mười mấy tiếng đồng hồ thì bình nào cũng phải chịu thua.

Với bình inox 316 thì ổn hơn. Nhưng cũng không phải vì vậy mà muốn đựng đồ chua, đồ mặn bao lâu cũng được.

Tốt nhất là nên đựng trong ngày rồi vệ sinh, lau chùi. Tối đa là vài ngày nếu đó là thức ăn, nước uống lâu hư.

Có vẻ bạn hơi có ấn tượng xấu với bình nước “made in China”. Tuy nhiên, có một thông tin sẽ làm bạn sốc. Đó là 94% bình đựng nước làm bằng inox trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc.

Trong video dưới đây, anh chàng này đã mua tất cả những bình này ở Mỹ để dùng cho thử nghiệm trên kênh Youtube của anh. Và tất cả những bình đó đều “made in China” cả.

Số 2: Sự thật về A-mi-ăng trong bình đựng nước giữ nhiệt inox

A-mi-ăng là phiên âm tiếng Pháp (tiếng Anh là Asbestos) của một vật liệu có khả năng dẫn nhiệt rất kém. Chính vì vậy chúng được dùng để cách nhiệt.

Người ta rất sợ A-mi-ăng trong vấn đề tiếp xúc với thực phẩm.

Lý do là vì khoáng chất này có thể bị rơi rớt ra ở dạng sợi nhỏ hay dạng hạt bụi mịn. Khi bạn uống hoặc hít vào sẽ tồn tại suốt đời bên trong cơ thể.

Trong bình đựng nước giữ nhiệt bằng inox, A-mi-ăng không nằm trộn vào chất liệu của lớp inox như một số bạn nghĩ.

Nếu bình có sử dụng A-mi-ăng chúng sẽ nằm ở khoảng trống giữa 2 lớp inox.

Chúng có thể là dạng xốp mảng lớn hoặc dạng nhiều viên rắn khá nhỏ dạng đĩa tròn. Với dạng đĩa tròn, 1 mặt chúng tiếp xúc lớp ngoài, mặt còn lại tiếp xúc lớp trong.

Bình đựng nước giữ nhiệt inox có a mi ăng
Bấm vào ảnh để đọc bài báo gốc

Như vậy, coi như phải mòn cả lớp inox trong thì mới chạm tới lớp A-mi-ăng được. Hơn nữa, amiang là chất rắn (bụi hay sợi nhỏ) nên cũng không cách nào vượt qua lớp inox.

Do đó, A-mi-ăng chỉ thực sự nguy hiểm khi nó tiếp xúc với nước trong trường hợp bình bị nứt.

Tuy nhiên, tin vui cho các bạn là ngày nay, người ta ít dùng A-mi-ăng làm lớp đệm giữa để cách nhiệt. 

Thay vào đó là hút hết không khí và tạo ra môi trường chân không. Điều này hạn chế tối đa khả năng truyền nhiệt qua không khí.

Công nghệ này ngày nay rất phổ biến. Không khó để tìm mua được một bình đựng nước inox hút chân không có giá cả hợp lý.

Nên hạn chế mua những bình đựng nước inox có các chức năng điện tử ở đáy bình.

Bình đựng nước inox thương hiệu Mỹ

Vì khi đó, việc hút chân không cho thân bình trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Lúc này người ta sẽ phải sử dụng A-mi-ăng để cách nhiệt.

Như trong video này, 1 bình đựng nước inox thương hiệu Mỹ có chức năng hiển thị nhiệt độ nước và được sử dụng A-mi-ăng để cách nhiệt.

Với những bình có chức năng kiểu như thế này mà muốn an toàn thì thường phải đáp ứng được 2 tiêu chí:

Thứ 1, giá của bình đựng nước giữ nhiệt inox này phải không quá rẻ. Theo kinh nghiệm của mình thì giá phải trên 200.000đ.

Thứ 2, bộ phận điện tử nằm ở nắp bình. Vì nắp không cần phải xử lý cách nhiệt cho lớp xung quanh và nhà sản xuất có thể hút chân không dễ dàng với thân bình.

Bình đựng nước giữ nhiệt inox

Số 3: Bình đựng nước làm bằng Inox 304 sẽ không bao giờ rỉ sét?

Bạn đang lang thang trên Internet để tìm mua bình đựng nước inox.

Bạn thấy một bình đựng nước inox 304.

Bạn đọc đánh của người mua thì thấy một số trường hợp bị rỉ sét.

Bạn bắt đầu hoài nghi về chất lượng bình.

Nhưng đừng vội. Có thể đó là do người ta sử dụng nó không đúng cách mà thôi.

Bình đựng nước làm bằng inox 304

Rỉ sét hình thành khi Sắt phản ứng với khí Oxy và nước tạo thành oxit sắt. Phản ứng này dễ xảy ra trong điều kiện không khí ẩm.

Oxit sắt sau khi hình thành thì ít bám lại, dễ rơi ra khỏi bề mặt chất liệu. Việc này để lộ lớp sắt tiếp theo và cứ thế rỉ sét sẽ liên tục hình thành cho đến khi không còn gì.

Với Inox thì khác khi có sự xuất hiện của các kim loại nặng như Cr, Ni… Oxit của các kim loại này sau khi hình thành có độ bám tốt. Do đó, tao thành 1 lớp ngoài bảo vệ được hợp kim bên trong.

Từ đó, chúng ngăn chặn phản ứng hình thành oxit liên tục xảy ra. Nhờ vậy mà bề mặt chất liệu không có rỉ sét nữa.

Còn nhớ mình nói về khả năng chống ăn mòn của inox 304 kém chứ?

Bình đựng nước bằng inox 304 bị ăn mòn theo kiểu này là do lớp oxit bảo vệ không còn nữa. Từ đó, lớp hợp kim bên trong lộ ra, trong đó có sắt. Chính vì vậy mà rỉ sét vẫn luôn hình thành.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến lớp oxit bảo vệ của inox 304 bị mất là axit và muối.

Chính vì vậy mà ở phần trên mình đã có nói là inox 304 chỉ phù hợp để đựng nước. Không nên dùng bình inox 304 để đựng nước trái cây, sữa hay đồ ăn mặn.

No Comments

Bình luận